TRẦN QUỐC TOẢN TUỔI NHỎ CHÍ LỚN

Bởi hockinhdoanhaz

         Cuốn truyện Trần Quốc Toản tuổi nhỏ chí lớn là những cuốn truyện tranh lịch sử, kết quả từ cuộc thi Biên soạn Truyện tranh lịch sử theo sách giáo khoa Lịch sử hiện hành do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức. Bộ truyện tranh tái hiện lịch sử dân tộc từ thời dựng nuớc cho đến cuối thế kỷ XX. Những sự kiện, địa danh và nhân vật tiêu biểu qua các thời kỳ lịch sử được minh hoạ bằng những hình ảnh sinh động, hấp dẫn. Qua từng câu chuyện, chúng ta sẽ hiểu biết thêm về quá khứ dựng nước và giữ nước của dân tộc trong suốt hàng ngàn năm, thấm nhuần những giá trị lịch sử do cha ông dày công hun đúc, thấu hiểu những nét văn hoá, phẩm chất và vẻ đẹp của con người Việt Nam. …Với những hình ảnh sống động, phản ánh tương đối chân thực lịch sử và sát với chương trình, nội dung sách giáo khoa Lịch sử hiện hành, bộ truyện tranh lịch sử vừa đưa bạn đọc đến thế giới của các câu chuyện lịch sử kì thú, vừa giúp các em học sinh có thêm những thông tin bổ ích trong việc học môn Lịch sử ở nhà trường… ( Trích lời của Giáo sư Sử học, NGND Vũ Dương Ninh)

          Nổi bật nhất trong câu chuyện là chân dung người anh hùng Trần Quốc Toản. Lấy bối cảnh là cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên lần thứ hai của nhà Trần vào thế kỉ thứ XIII, Quốc Toản quyết gặp được vua để nói hai tiếng “ Xin đánh”. Vua có lời khen Quốc Toản nhỏ tuổi mà có trí lớn, bèn thưởng cho cam quý. Tuy nhiên, vì không được tham bàn việc nước, quả cam quý đó đã bị Quốc Toản bóp nát từ lúc nào không hay! Với lòng quyết tâm phải ra trận đánh giặc, thiếu niên nhỏ tuổi ấy đã tập trung binh sĩ, ngày đêm luyện tập võ công. Hình ảnh lá cờ thêu sáu chữ “ Phá cường địch, báo hoàng ân” như thể hiện cho lòng yêu nước và khát khao được chiến đấu vì quê hương không bao giờ đợi tuổi. Quả cam quý hôm đó bị chàng bóp nát trên tay đã thể hiện cho ý chí ngút trời, quyết tâm phải ra trận đánh giặc dù vua và mọi người vẫn coi chàng còn nhỏ vì lúc đó chàng mới 15 tuổi. Đội quân của Trần Quốc Toản với lá cờ thêu sáu chữ vàng đã lập nên nhiều chiến công hiểm hách. Trong trận đánh cuối cùng, ở sông Như Nguyệt, quân đội nhà Trần thắng lớn nhưng người anh hùng nhỏ tuổi ấy đã ra đi mãi mãi…..

          Cuốn sách chắc chắn sẽ mang lại cho người đọc những cảm xúc khác nhau. Đó có thể là sự khâm phục, ngưỡng mộ lòng yêu nước, ý chí kiên cường của Trần Quốc Toản; đó có thể là sự cảm động giữa tình cảm mẹ con, vua tôi, chú cháu trên dưới một lòng. Đó có thể còn là sự hả hê, vui sướng khi quân giặc chịu thất bại trước sức mạnh đoàn kết của dân tộc ta bởi chỉ có sự đoàn kết thì cho dù kẻ địch có mạnh đến đâu, chúng ta cũng có thể chiến thắng,… Chúng ta thật may mắn khi được sinh ra và lớn lên trong hòa bình, không có bom đạn chiến tranh, chúng ta hãy noi gương người anh hùng nhỏ tuổi đó, ra sức học hành để dựng xây đất nước của chúng ta ngày một giàu mạnh hơn như lời Bác Hồ từng mong ước “ …Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không…, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

You may also like

Để lại bình luận